Thực tiễn Ngoại giao cây tre (Việt Nam)

Ngoại giao

Theo VnEconomy, trong năm 2022 các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thực hiện gần 70 hoạt động đối ngoại.[10] Theo tổng kết đến đầu năm 2023, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190/192 quốc gia; quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 đối tác và hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế.[3] Đồng thời, nước này cũng là thành viên của các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu–Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng 15 hiệp định thương mại tự do khác.[3]

Quan hệ Việt Nam–Trung Quốc

Từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2022, sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhậm chức ở nhiệm kỳ thứ ba thì Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức đến quốc gia láng giềng này.[11] Ông là lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến thăm nước này sau khi Chủ tịch Trung Quốc nhậm chức ở nhiệm kỳ thứ ba.[12] Đây đồng thời cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trọng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.[11] Chuyến thăm sau đó được hai bên xem là thành công. Phía Việt Nam đã gọi Trung Quốc là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại".[13] Theo Reuters, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo là quá thân thiết khi không đeo khẩu trang, bắt tay và ôm nhau trong bối cảnh Trung Quốc vẫn còn kiên trì với chính sách phong tỏa nghiêm ngặt bởi COVID-19.[12]

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13/12/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11 năm 2022. Trong khuôn khổ chuyến thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, các cuộc hội kiến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung, đều nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Nhằm kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Phía Việt Nam ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Các sáng kiến nêu trên có mục tiêu đề ra là nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.[14]

Quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ

Cuối tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có chuyến thăm đến Việt Nam kéo dài từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8 năm 2021.[15] Trong chuyến thăm của bà Harris phía Hoa Kỳ cũng đã xác nhận về thỏa thuận thuê đất xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trí giá 1,2 tỷ đô la Mỹ. Trước khi rời khỏi Việt Nam, Phó Tổng thống Hoa Kỳ chia sẻ, chuyến thăm này "báo hiệu cho khởi đầu của chương mới trong quan hệ Việt–Mỹ".[15] Sau chuyến thăm, báo chí Việt Nam cũng đã đăng tải thông tin về việc Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam mời Joe Biden đến thăm.[16]

Vào ngày 12 tháng 11 năm 2022, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 11 thì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc gặp gỡ, ông Chính đã tiếp tục "chuyển lời" của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam mời Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm nước này.[17] Tuy nhiên, một làn sóng tranh cãi đã diễn ra khi một đoạn video được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng tải khi ông Chính trò chuyện với những lãnh đạo dưới cấp trước khi gặp Hoa Kỳ rằng "rõ ràng, sòng phẳng, sợ mẹ gì nó". Đoạn video ban đầu được đăng tải nhưng không bị cắt vào ngày 14 tháng 5 và bị gỡ bỏ vào ngày 23 tháng 5. Tuy nhiên, đoạn video sau đó tiếp tục được VOA đăng tải nhưng đã che cụm từ phản cảm đi.[18] Việc VOA gỡ bỏ video được cho là bởi Khanh Nguyen, một quan chức trong Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và yêu cầu cơ quan này gỡ bỏ. Trong email đã ghi, đoạn video đã "vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư cũng như tính chuyên nghiệp và đạo đức của báo chí. Hơn nữa, việc đưa tin của VOA đã bị lạm dụng và bóp méo cho các mục đích chính trị".[19] Việc gỡ bỏ này sau đó đã bị ban tiếng Việt của VOA phản đối vì cho rằng quyền tự do báo chí bị ngăn cản.[19] Còn Đài Á Châu Tự Do (RFA), cơ quan có thể xem là "chị em" của VOA, cũng đã đăng tải đoạn video nhưng không nhận được email gỡ bỏ nào.[19][20]

Đến tối ngày 29 tháng 3 năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh năm 2023 là kỷ niệm 10 năm trong Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.[21] Theo Reuters, cuộc điện đàm là chuyện hiếm hoi khi ông Biden điện đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ.[22] Hoa Kỳ hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022.[21][22] Sau đó không lâu, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 cùng năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã có chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam và gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.[23][24] Một vấn đề tranh cãi trong cuộc gặp gỡ giữa ông Chính và Anthony Blinken cũng đã diễn ra khi chỉ xuất hiện cờ Việt Nam ở phía sau mà không có cờ Hoa Kỳ. Theo RFA, hầu hết thông tin này đến từ báo chí Trung Quốc và cơ quan này phân tích cho rằng do đây là cuộc gặp gỡ không cùng cấp nên chỉ có cờ Việt Nam ở phía sau.[25] Theo BBC News, khả năng cao vấn đề ngoại giao của hai quốc gia này sẽ tiếp tục nóng lên khi có thể Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội vào tháng 5 hoặc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 7. Trong bài phân tích, cơ quan truyền thông này cũng cho rằng câu nói Việt Nam giờ đây "đã sát cánh cùng với Mỹ trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất" thường chỉ được sử dụng để ám chỉ đồng minh của nước này nhưng nó lại được ông Blinken sử dụng nhắc đến Việt Nam.[26]

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện.[27]

Kinh tế

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, Việt Nam hiện đã có mối liên kết với 17 hiệp định thương mại tự do, trong khi quốc gia láng giềng đó là Thái Lan chỉ có 7. Đồng thời, trong năm 2022, quốc gia này đã thu hút 22,4 tỷ đô la Mỹ đầu tư, gấp đôi so với Thái Lan.[28] Trên một bài phân tích của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan này đã liệt kê các thành tựu như các hiệp định thương mại tự do với 3 trong số đó đạt tiêu chuẩn rất cao và quan hệ kinh tế–thương mại với 230 quốc gia/vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 600 tỷ đô la Mỹ và xem như một phần thành công của "ngoại giao cây tre".[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngoại giao cây tre (Việt Nam) https://baochinhphu.vn/print/phat-bieu-cua-tong-bi... https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/09/16090... https://vietnamnet.vn/cay-tre-moi-la-bieu-tuong-va... http://beta.baohagiang.vn/van-hoa/201502/cay-tre-v... https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/mot-vai-suy-ngam-t... https://vietnamnet.vn/xay-dung-va-phat-trien-nen-d... https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-c... https://baochinhphu.vn/print/suy-ngam-ve-van-hoa-n... https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61378206 https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ngoai-giao-cay-tre-v...